(phần 2)
2007.06.06
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Kính chào quý vị và các bạn đang đến với chuyên mục “Diễn đàn bạn trẻ”, nhịp cầu thảo luận-giao lưu của thanh niên trong và ngoài nước, phát thanh sáng thứ tư hàng tuần.
Bấm vào đây để nghe cuộc hội luận này
Tải xuống để nghe
Ông Hồ Chí Minh, ông Bùi Bằng Đoàn (thân phụ ông Bùi Tín) trưởng ban Thường Trực Quốc Hội và tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ phong quân hàm Đại tướng cho ông Giáp - Việt Bắc - 1948. Hình của ông Bùi Tín.
Với đề tài “Cảm nhận của giới trẻ ngày nay về lãnh tụ Hồ Chí Minh” phát sóng kỳ đầu tiên vào hạ tuần tháng năm vừa qua nhân dịp 117 năm kỷ niệm ngày sinh Hồ Chủ tịch, cuộc thảo luận giữa các bạn trẻ trong và ngoài nước bỗng trở thành tranh luận sôi nổi, không chỉ xoay quanh cảm nghĩ về nhà Cách Mạng Hồ Chí Minh, mà còn bàn về cả các sự kiện lịch sử.
Với những tư tưởng khác biệt giữa 3 sinh viên tìm hiểu lịch sử qua sách vở, tư liệu trong nước là Trang ở Bình Thuận, Phương từ Quảng Ngãi, Thanh ở Nghệ An với 2 bạn có điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin đa chiều, tự do, rộng lớn từ thế giới bên ngoài, là Thanh, một thanh niên đã tốt nghiệp đại học hiện đang làm việc tại miền Nam và Hồng, vừa qua Mỹ du học được 1 năm.
Cuộc hội luận tiến triển ra sao? Quan điểm phía nào sẽ dành ưu thế và thuyết phục hơn? Mời quý vị theo dõi tiếp trong chương trình hôm nay:
Trà Mi: Trong những cuộc thảo luận vừa qua, ý kiến của các bạn có rất nhiều sự khác biệt nên chúng ta đã đi khá xa với chủ đề ban đầu nói về “Cảm nghĩ của thanh niên với nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh.
Thanh: Nhưng mà chị ơi những cái đó thực chất có liên hệ đến HCM chứ không phải không, tại vì ông Hồ đã mang chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.
Sinh viên Phương: Anh Thanh cho em ngắt lời tí. Em cảm thấy mình đã đi quá xa với chủ đề chị Trà Mi đưa ra ban đầu xung quanh cảm nhận về Chủ tịch HCM. Bạn Hồng đưa ra ý kiến rằng có rất nhiều thông tin nói về bác không tốt, và bạn ấy cũng đồng ý với những nguồn thông tin như vậy.
Còn bọn mình nói rằng mình vẫn luôn xem HCM là một nhân vật vĩ đại và luôn tôn thờ chủ tịch HCM, vị cha già của dân tộc mà bọn mình rất kính yêu. Cuộc thảo luận của mình đã đi quá xa, từ Cải cách ruộng đất đến vượt biên. Nói chung mình đưa ra ý kiến như thế này.
Mình đã yêu chuộng chủ tịch HCM thì mình cảm nhận và học được là HCM là một người sáng suốt, những chính sách của bác thì luôn đúng đắn. Còn việc thực hiện nó có nhiều thiếu sót và sai lầm là do những người cấp dưới người ta thực hiện không đúng. Khi nhận ra sai lầm đó thì đã có những sửa đổi và đã thực hiện tốt hơn.
Thần thoại hoá nhân vật?
Trà Mi: Đó là những ý kiến Trang, Thanh, và Phương đã đưa ra. Trước những ý kiến của các bạn như vậy, mình có một câu hỏi như thế này hiện nay đã xuất hiện nhiều nguồn tin kèm theo những bằng chứng từ những người vốn trước đây rất thân cận với HCM, chứng minh rằng những tài liệu và sử sách viết về nhân vật này tại Việt Nam lâu nay có nhiều điều hư cấu, huyền thoại hoá, thần thoại hoá nhân vật này. Ý kiến của các bạn ra sao?
Các bạn có nghĩ rằng những gì trong sách vở nhà trường ít nhiều mang tính sùng bái cá nhân HCM hay không?
Du sinh Hồng: Con người không có ai hoàn hảo, nhưng những gì viết về HCM đều là hoàn hảo cho nên mình cảm thấy là chuyện đó không thể nào xảy ra. Các bạn nói rằng những gì xảy ra trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1954 không hề liên quan đến bác, và những chính sách bác đưa ra đều đúng, thì tại sao lại có rất nhiều người chết trong cuộc cải cách này.
Hiệp định Geneve mà các bạn được học có thật sự đúng sự thật hay không. Sau hiệp định này, bác vẫn để lại người trong miền Nam để có thể lay chuyển cuộc trưng cầu dân ý. Đó có phải là các chính sách của bác đưa ra hay không? Có phải là chính sách nào của bác đưa ra cũng đúng đắn như các bạn nói hay không?
Trà Mi: Mời ý kiến của các bạn khác.
Sinh viên Thanh: Theo mình, tất nhiên khi người ta đã hâm mộ một ai đó rồi thì người ta thường đưa ra ý kiến chủ quan, và tất nhiên là có thần tượng hoá lên một chút, nhưng thần tượng hoá cũng phải dựa trên những điều có thật. Mình nghĩ sách vở nói về bác dĩ nhiên là dựa vào thực tế rồi mới thần tượng hoá lên đôi chút, đôi khi cũng hơi nói quá.
Trà Mi: Và điều này ảnh hưởng đến niềm tin nơi thế hệ trẻ ra sao? Một nhân vật lịch sử, một sự kiện lịch sử mà lại được thần thoại hoá lên như vậy thì còn mang tính xác thực, trung thực của lịch sử hay không? Nó có ảnh hưởng đến lòng tin của các bạn trẻ nhất là đối với các nhân vật lãnh đạo hay không?
Sinh viên Trang: Mình cho rằng những sự thật người ta thần thoại hoá lên thì cũng không quá đáng lắm.
Thanh: Chính sự thần tượng hoá như vậy dẫn đến rất nhiều tai hại. Thứ nhất, mình sẽ không có sự hiểu biết khách quan, không thấy được con người thật. Mình thần thánh hoá thì lấy gì còn sự thật? Sự thật đã bị che mất rồi. Người ta đã nói là phân nửa của sự thật cũng không phải là sự thật.
Cho nên, những điều mình biết trở thành sai. Nó sai mà mình cứ chấp nhận nó một cách mù quáng như vậy mà không hề đặt dấu chấm hỏi thì óc suy luận của mình sẽ ngày càng bị cùn đi. Việc này rất tai hại.
Bạn nghĩ gì về con người, cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ Chí Minh? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org
Hiểu biết của mình mà mình chỉ biết chấp nhận những cách suy nghĩ của người khác mà không hề có động não thì đó rõ ràng không phải là phương pháp tìm đến chân lý. Một ví dụ nhỏ, trong sách sử ghi lại bác chết ngày 3/9/1969, theo các bạn điều này đúng hay không?
Du sinh Hồng: Mình nghĩ là bác chết ngày 2/9.
Sinh viên Thanh: Ngày bác chết chính xác là 2/9 mà do ngày đó là ngày quốc khánh, ngày vui của dân tộc thì không thể báo một tin buồn cho nên đảng ta mới chủ trương là dấu tin buồn đó lùi lại một ngày sau ngày quốc khánh. Nhiều năm sau, nhà nước ta đã thay đổi lại và công bố ngày mất thật của bác là 2/9.
Nhưng đến năm nào điều đó mới được sửa lại? Cho đến năm 1989 vẫn chưa được sửa lại. Thế có lý do gì mà mãi đến năm 1989 vẫn chưa sửa? Thứ hai, như vậy rõ ràng những gì đảng đưa ra không phải là chính xác.
Điều này khẳng định là đảng có thể thay đổi bất cứ cái gì trong lịch sử, ngay cả ngày chết của lãnh tụ mà vẫn có khả năng sửa được huống chi những cái khác không sửa được? Có thiếu gì những điều khác đảng cũng cho là bất lợi, đảng cũng dấu đi, thế là bây giờ bạn cũng không biết. Bạn có chắc gì không có những điều đó không?
Đảng cộng sản Việt Nam
Sinh viên Phương: Những điều tốt của đảng đảng có ghi trong sách vở, mình có được học. Còn những điều xấu thì mình cũng đều biết hết. Nói chung mình không biết hết, nhưng có biết sơ qua về một số sai lầm của đảng sau 1954 khi đất nước bước qua thời kỳ xã hội chủ nghĩa, và cách mạng thắng lợi sau 1975 nữa.
Mình biết là đảng có mắc một số sai lầm trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, những điều đó mình cũng họ được trong sách vở. Thế thì không thể nói là đảng dấu những sai lầm của mình.
Thanh: Thế bây giờ cho mình hỏi một chuyện, theo bạn kinh tế thị trường theo xã hội chủ nghĩa là đúng hay không?
Sinh viên Phương: Nền kinh tế phát triển cần có sự quản lý của nhà nước mà nhà nước đó đang hướng tới xã hội chủ nghĩa. Nếu như nhà nước không quản lý nền kinh tế đó mà để cho nó phát triển thành tư bản thì liệu rằng nền kinh tế đó nó có phát triển không? Tình hình đất nước có ổn định không?
Thanh: Thế nếu bây giờ áp dụng nền kinh tế tập trung thay vì kinh tế thị trường có sai hay không.
Sinh viên Thanh: Bây giờ xã hội đang phát triển, bạn đem cái chế độ quá cũ áp dụng vào hiện tại này thì làm sao phù hợp ?
Thanh: Như vậy theo bạn, bây giờ kinh tế thị trường mới là hướng đi đúng, phải không?
Sinh viên Thanh: Đúng, từ năm 1975-1986 quan liêu bao cấp, người ta đã nhận thấy sai lầm đó và đã chỉnh đốn lại để đi theo con đường hiện tại.
Thanh: Mà theo kinh tế thị trường thì bạn phải chấp nhận có hoạt động của tư nhân, đúng không?
Sinh viên Trang: Chấp nhận.
Chủ nghĩa xã hội
Thanh: Thế thì bao nhiêu năm trên ghế nhà trường học về kinh tế chính trị Mác-Lênin, có bao giờ các bạn thấy trong đó có nhắc tới việc chấp nhận thành phần kinh tế tư nhân trong chế độ xã hội chủ nghĩa không? Sách vở nói rằng khi người vô sản dành được chính quyền thì phải thiết lập giai cấp chuyên chính vô sản, xoá sạch giai cấp bóc lột, chỉ còn lại giai cấp công-nông trong xã hội thôi.
Đó là trụ cột của chủ nghĩa cộng sản: phải đàn áp tất cả giai cấp khác, trong đó giai cấp tư bản là giai cấp bóc lột cần phải xoá bỏ, và mình còn lớn tiếng hô hào là phải đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản cơ mà. Ngay sau 1975 lập tức đánh tư bản, mình không cho hoạt động kinh tế tư nhân cơ mà. Đó không phải là quan điểm của Việt Nam thôi mà đó là chủ nghĩa Mác-Lê.
Sinh viên Trang: Bạn đã hiểu sai về chủ nghĩa xã hội rồi, ở đây không phải là xoá bỏ hay đào mồ chôn giai cấp tư bản.
Thanh: Sai. Bạn nói vậy là nói ngược rồi. Bây giờ bạn cứ coi lại sách vở về chủ nghĩa Mác-Lê, học lại kinh tế chính trị Mác-Lê, chủ nghĩa di vật biện chứng sẽ thấy rõ ràng xây dựng nền chuyên chính vô sản, xoá bỏ giai cấp bóc lột. Và điều đó Việt Nam đã từng thi hành sau 1975 mà.
Sinh viên Thanh: Bây giờ bạn phủ nhận là đảng đưa ra những đường lối đó, bạn cho là sai hay sao?
Thanh: Cái mình phủ nhận ở đây chính là ..
Sinh viên Thanh: Bạn phải khẳng định rõ chế độ tập trung quan liêu bao cấp hồi đó có thoả đáng hay không? Nếu mình vẫn giữ vậy thì nền kinh tế có phát triển như hôm nay không?
Thanh: Vậy tại sao đảng không nhìn thấy cái đó sớm hơn cho dân được nhờ?
Sinh viên Thanh: Sớm hơn thì hoàn cảnh lúc bấy giờ Việt Nam vẫn còn nghèo về điều kiện vật chất.
Thanh: Vô lý. Mình thấy vô lý chỗ này là tại sao ta tiến hành cuộc chiến tranh đó là vì muốn xoá bỏ chủ nghĩa tư bản ở miền Nam. Chính miền Nam lúc đó đã theo chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường, lúc đó tư nhân được quyền hoạt động.
Tại sao ta vô ta phá hết rồi mãi mười mấy năm sau lại quay lại theo kinh tế thị trường? Đó là sự sai lầm hay là phát minh gì đây? Trên thế giới này kinh tế thị trường có phải là cái do cộng sản phát minh không? Chưa bao giờ.
Sinh viên Phương: Mình thừa nhận những ý kiến của bạn rất đúng nhưng việc bạn nói sao không nhận ra sai lầm sớm thì mình đã nói là do hoàn cảnh đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, do điểm xuất phát thấp nên chưa nhận ra sai lầm.
Đến 1986 khi đổi mới thì mình đã kịp nhận ra sai lầm và từ đó mình đã đổi mới. Thì bạn phải thừa nhận là những chính sách sau năm 1986 là đổi mới chứ. Bây giờ thực sự nó đang đem lại hiệu quả cho Việt Nam.
Thanh: Mình nghĩ đó không có gì là đổi mới cả, mà cái đó phải nói đúng là để lại như cũ tại vì trước 1975 người ta đang là kinh tế thị trường cơ mà. Mình vô mình phá rồi mình để lại, chứ sao lại gọi là đổi mới!?
Có mới là mới ở ngoài Bắc, cái đó mình không nói. Còn ở miền Nam lúc bấy giờ đang là kinh tế thị trường cơ mà, mình vô mình phá đi rồi giờ để trở lại thì đâu gọi là đổi mới được? Phải gọi là để lại như cũ chứ?!
(Xin mời theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)
“Diễn đàn bạn trẻ” sẽ tái ngộ cùng quý vị và các bạn với phần tiếp theo, vào giờ này, sáng thứ tư tuần sau. Mong quý vị nhớ đón nghe. Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.
Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org .
Trà Mi kính chào.
Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Các tin, bài liên quan
Nhân vật Hồ Chí Minh theo nhận định của giới trẻ Việt Nam
Tiếng nói và nguyện vọng của giới trẻ Việt Nam
Gửi trang này cho bạn
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire